1. Dựa vào mạch truyện, có thể chia tác phẩm thành mấy đoạn? Ý chính của mỗi đoạn? Mạch truyện đã đư

Câu 1. Dựa vào mạch truyện, có thể chia tác phẩm thành mấy đoạn? Ý chính của mỗi đoạn? Mạch truyện đã được dẫn dắt như thế nào?

a. Tác phẩm có thể được chia thành bốn đoạn:

-   Đoạn 1: Từ đầu đến "tự đắc với mình": Tràng cùng người đàn bà về làng, tâm trạng tự đắc, phởn phơ của Tràng và sự ngạc nhiên, hài hước của xóm ngụ cư.

-   Đoạn 2: Tiếp theo đến "rồi cùng đẩy xe bò về"; kể lại chuyện làm quen và "nhặt" được vợ của Tràng. Người đàn bà vì đói khát đã quên sĩ diện mà theo Tràng.

-  Đoạn 3: Tiếp theo đến "len vào tâm trí mọi người": cảnh sống trong gia đình Tràng sau khi Tràng có vợ: tâm trạng vừa mừng, vừa tủi, vừa lo của bà cụ Tứ, hành động, lời nói của bà nhằm động viên các con và động viên chính mình, nhưng vẫn không lấp được nỗi lo khôn xiết; hạnh phúc vợ chồng Tràng diễn ra trong hoàn cảnh cháo cám chát đắng và tiếng khóc hờ của những nhà hàng xóm có người chết đói. . . ).

-   Đoạn 4: từ "Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống đến hết: kết thúc thiên truyện: cảnh thúc thuế trong làng và ý tưởng đi theo Việt Minh của nhân vật Tràng.

b. Mạch truyện đã được dẫn dắt một cách tự nhiên, hợp logic và gắn với truyện truyền thống (chủ yếu theo thời gian tuyến tính): tuy nhiên sự hấp dẫn nằm trong nghịch lí mang tính hài hước của truyện kể: giữa ngày đói kém, một anh cu Tràng "quá lứa", "dở hơi" đưa một người đàn bà "rẻ rúng" về làm vợ. Mạch truyện bắt đầu từ đó: sự kiện khôi hài này tất yếu gây ra những lời bàn tán hài hước và xót xa; rồi màn bi - hài kịch diễn ra trong nhà cụ Tứ. Cuối cùng tác giả đã tìm được lối thoát cho truyện: giữa những âm thanh của tiếng trống thúc thuế, dồn người ta đến bước đường cùng, hình ảnh lá cờ Việt Minh và đoàn người phá kho thóc của Nhật trong chuyện mơ hồ và xa xôi (Nghe đâu tận Thái Nguyên, Bắc Giang) xuất hiện và ám ảnh trong đầu óc của Tràng.