2. Câu 2 trang 142 SGK Văn 11. a. Nam Cao là một trong số không nhiều các nhà văn trước Cách mạng tự

Câu 2. Những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao?

a. Nam Cao là một trong số không nhiều các nhà văn trước Cách mạng tự giác ngộ về quan điếm nghệ thuật và có quan điểm nghệ thuật tiến bộ.  Mặc dù không có những tác phẩm chính luận chuyên bàn về quan điểm nghệ thuật, nhưng rải rác trong các sáng tác của Nam Cao, ta thấy quan điểm nghệ thuật của ông được thể hiện khá hệ thống, nhất quán và có nhiều điểm tiến bộ so với phần đông các nhà văn cùng thời. Không ít khía cạnh trong quan điểm đó chứng tỏ sự phát triển ờ trình độ cao của tư duy nghệ thuật hiện thực.

Có thế nói, Nam Cao là người phê phán tính chất thoát li tiêu cực của văn học lãng mạn đương thời một cách toàn diện và sâu sắc nhất. Theo ông, đó là thứ nghệ thuật "lừa dối", âm hưởng chủ đạo của nó toàn là cái"giọng sướt mướt của kẻ thất tình". Lên án văn học lãng mạn thoát li cũng có nghĩa là Nam Cao lên án quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, khẳng định văn học hiện thực, khẳng định nghệ thuật vị nhân sinh. Nam Cao yêu cầu nghệ thuật phải gắn bó với đời sống của nhân dân lao động, "nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than" và nhà văn phải "đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời" ( Giăng sáng ).

Cùng với việc phê phán không khoan nhượng văn học lãng mạn thoát li, Nam Cao còn chỉ rõ hạn chế của những tác phẩm phản ánh hiện thực một cách mờ nhạt, ý nghĩa xã hội non kém. Theo ông, một tác phẩm hiện thực, phải có giá trị phổ quát "vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn", đặc biệt phải thấm nhuần nội dung nhân đạo cao cả "chứa đựng được một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. . .  Nó làm cho người gần người hơn”.

b. Trong số các nhà văn hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm cao về ngòi bút của mình. Theo ông, nghề văn trước hết phải là một nghề sáng tạo. Nhà văn phải biết "khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có". Ông châm biếm sâu cay những cây bút thiếu bản lĩnh, a dua chạy theo thị hiếu tầm thường.  Để làm được công việc khó khăn ấy, Nam Cao cho rằng nhà văn "phải đọc, phải tìm tòi nhận xét và suy tưởng không biết chán" và phải có lương tâm nghề nghiệp, nhất là không được cẩu thả, "cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện".

Điều đáng lưu ý nhất là Nam Cao luôn đòi hỏi nhà văn phải có tinh thần nhân đạo cao cả. Trong Đời thừa, dẫu nuôi nhiều hoài bão về nghệ thuật, nhưng Hộ vẫn có thể hi sinh nghệ thuật cho cuộc sống. học rút ra từ nhân vật Hộ là: Nhà văn muốn viết cho nhân đạo thì phải sống cho nhân đạo.

Quan điểm nghệ thuật tiến bộ này góp phần quan trọng để Nam Cao có nhiều chuyển biến ngay sau khi tham gia cách mạng. Từ việc thấy rõ trách nhiệm phản ánh hiện thực cuộc sống của nhân dân lao động, giờ đây, Nam Cao khẳng định sứ mệnh của nhà văn lúc đó là phải phục vụ cho cuộc chiến đấu. Đây là một bước tiến vượt bậc trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao. Nó cho thấy sự gặp gỡ tất yếu giữa văn học hiện thực chân chính và vãn học cách mạng.