2. Nỗi nhớ thương của Kiều được diễn tả sâu sắc trong tám câu thơ tiếp theo: - Kiều nhớ tới Kim Trọn

Câu 2. Tám thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.

Nỗi nhớ thương của Kiều được diễn tả sâu sắc trong tám câu thơ tiếp theo:

- Kiều nhớ tới Kim Trọng, tưởng tượng ra cảnh chàng Kim cũng đang nhớ về mình, mong ngóng mà vẫn bặt tin ( Tưởng người dưới nguyệt chén đồng – Tin sương luống những rày trông mai chờ ); tâm trạng Kiều đau đớn, xót xa, tủi phận: Bên trời góc bể bơ vơ – Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

- Kiều nhớ đến cha mẹ, thương cha mẹ ngày ngày tựa cửa ngóng tin con ( Xót người tựa cửa hôm mai ), ngậm ngùi vì tuổi già trước sự khắc nghiệt của thời gian ( Sân Lai cách mấy nắng mưa – Có khi gốc tử đã vừa người ôm ), day dứt vì mình không được ở bên để báo đáp công ơn sinh thành ( Quạt nồng ấp lạnh biết ai đó giờ ).

Nguyễn Du để Kiều nhớ tới Kim Trọng trước là hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm lí của nhân vật trong cảnh ngộ cụ thể, đảm bảo tính chân thực cho hình tượng. Trong tình cảnh bị Mã Giám Sinh làm nhục, lại ép tiếp khách làng chơi nên hiện trạng tâm lí Kiều là nỗi đau đớn về “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”, là nỗi buồn nhớ người yêu, nuối tiếc mối tình đầu đẹp đẽ. Kiều đã hi sinh thân mình vì đạo hiếu, khi lâm vào tình cảnh đáng thương, nàng lại một lòng nhớ đến Kim Trọng, nhớ thương cha mẹ, quên cả cảnh ngộ của mình. Trong đoạn trích này, Kiều hiện ra với đức vị tha cao đẹp.