Đông Âu

1. Sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân Đông Âu
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Âu đều lệ thuộc vào các nước tư bản Tây Âu. Trong thời kì chiến tranh, họ lại bị phát xít Đức chiếm đóng và nô dịch tàn bạo. Vì vậy, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đông Âu truy kích quân đội phát xít Đức, nhân dân các nước Đông Âu đã nhanh chóng nổi dậy và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, một loạt nhà nước dân chủ nhân dân đã được thành lập ở các nuớc Đông Âu từ cuối năm 1944 đến năm 1946.
Đó là các nước : Ba Lan (7 -1944), Ru-ma-ni (8 -1944), Hung-ga-ri (4 -1945), Tiệp Khắc (5 - 1945), Nam Tư (11 - 1945), An-ba-ni (12 - 1945) và Bun-ga-ri (9-1946).
Theo thỏa thuận của ba cường quốc là Liên Xô - Mĩ - Anh, quân đội Liên Xô chiếm đóng khu vực phía đông nước Đức ; quân đội Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng khu vực phía tây nước Đức. Tháng 9 -1949, Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức được thành lập ở Tây Đức và tháng 10 - 1949. Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã ra đòi ở Đông Đức. Hai nhà nước ở Tây Đức và Đông Đức chịu ảnh hưởng của hai cường quốc là Mĩ và Liên Xô.

Từ năm 1945 đến năm 1949, vượt qua nhiều khó khăn, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các nước Đông Âu đã hòan thành thắng lợi những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ nhân dân. Đó là xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, tiến hành cải cách ruộng đất, quốc hữu hoá những xí nghiệp lớn của tư bản nước ngoài và trong nước, thực hiện các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống của nhân dân.

Như thế, lịch sử các nước Đông Âu đã sang trang mới.

2. Tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX)
Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, từ năm 1949, các nước Đông Âu bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nhiệm vụ chính của giai đoạn này là : xóa bỏ sự bóc lột của giai cấp tư sản, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể thông qua hình thức hợp tác xã và tiến hành công nghiệp hoá nhằm xoá bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu từ lâu đời, xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Sau 20 năm xây dựng đất nước (1950 -1970), cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Đông Âu đã thu được những thành tựu to lớn. Tới đầu những năm 70 của thế kỉ XX, các nước Đông Âu đã trở thành những nước công - nông nghiệp. Bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước đã thay đổi căn bản và sâu sắc.
Trước chiến tranh, An-ba-ni là nước nghèo nhất châu Âu. Tới năm 1970, nền công nghiệp đã được xây dựng, cả nước đã được điện khí hoá.
Năm 1975, tổng sản phẩm công nghiệp của Bun-ga-ri tăng 55 lần so với năm 1939.
Vốn là nước đã có những cơ sở công nghiệp, tới lúc này Tiệp Khắc được xếp vào hàng các nước công nghiệp phát triển, chiếm 1,7% sản lượng công nghiệp thế giới.
Mặc dù có nhiều hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, Cộng hoà Dân chủ Đức đã đạt được những thành tích đáng kể, sản xuất tăng gấp 5 lần, thu nhập quốc dân tăng 4 lần so với năm 1949.