Đường lối đổi mới của Đảng. Sử 9
Trong hơn một thập niên thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1985), cách mạng Việt Nam đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, song cũng gặp không ít khó khăn và yếu kém ngày càng lớn, đưa đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng kinh tế, xã hội.
Để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh cách mạng tiến lên, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới.
Tác động của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, những thay đổi của tình hình thế giới và trong quan hệ giữa các nước, nhất là đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện ngày càng trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới.
Hình 83. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội
Đường lối đổi mới của Đảng được đề ra đầu tiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12 - 1986) và được điều chỉnh, bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6 -1991), lần thứ VIII (6 - 1996), lần thứ IX (4 - 2001).
Đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế, chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa, đổi mới kinh tế phải gắn liền với đổi mới chính trị, nhưng trọng tâm là đổi mới về kinh tế.